METRO STAR: QUA NHIỀU NỖ LỰC, TP.HCM GỠ ĐƯỢC GÌ CHO CÁC DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN?

Trong số 158 dự án bất động sản vướng mắc, đến nay TP.HCM giải quyết được 3 dự án, 12 dự án đang rà soát, 2 dự án đang xem xét tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư.

Bí thư Nguyễn Văn Nên (bìa phải), Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ (giữa) dự hội nghị

Sáng 6-1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế, xã hội năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.

158 dự án bất động sản vướng mắc

Trong báo cáo gửi hội nghị, đáng chú ý có nêu về tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.

Theo báo cáo, năm 2023 UBND TP đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng nhằm kịp thời tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong đó, chỉ đạo các sở, ngành TP và các địa phương thực hiện đồng bộ, nhất quán các nhóm giải pháp chung và giao 10 đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể.

Hiện TP.HCM tiếp nhận 189 kiến nghị của 158 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổng hợp.

Trong đó, về thủ tục đầu tư có 64 kiến nghị; thanh tra, điều tra, rà soát pháp lý có 22 kiến nghị; đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có 21 kiến nghị; các sở, ngành đã có văn bản giải quyết có 52 kiến nghị và dự án đã xây dựng hoàn thành, vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) có 30 kiến nghị.

Các dự án được gỡ vướng ra sao?

Về tình hình hoạt động của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP (gọi tắt là Tổ công tác), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp cho gần 3.500 lượt hồ sơ cấp mới, điều chỉnh dự án đầu tư và đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn đầu tư là 3,18 tỉ đô la (giảm 9,99% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022).

Đối với các dự án có sử dụng đất, UBND TP.HCM đã chấp thuận mới cho 7 dự án, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỉ và hơn 55.400m2 đất. Đồng thời, TP chấp thuận điều chỉnh cho 34 lượt dự án, tăng 325% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng vốn đầu tư là gần 69.000 tỉ và 3,4 triệu m2 đất.

Kể từ khi được kiện toàn (tháng 5-2023), Tổ công tác đã tổ chức 5 cuộc họp để giải quyết các nội dung còn tồn tại vướng mắc dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và các dự án đầu tư của nhà đầu tư không sử dụng vốn ngân sách TP và ban hành 8 thông báo kết luận chỉ đạo.

Nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM vẫn chờ được gỡ vướng

Kết quả đến nay có 3 dự án đã được giải quyết theo chỉ đạo của Tổ công tác gồm dự án khu phức hợp Sóng Việt của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát, dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty cổ phần VTHouse và Công ty cổ phần Tâm Giao và dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.

Có 1 dự án là khu dân cư NBB Garden III của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy đã được tham mưu theo ý kiến chỉ đạo của Tổ công tác nhưng vẫn còn nội dung vướng mắc.

Mặt khác, có 2 dự án đang được tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư dự án là khu nhà ở Ánh trăng giữa trung tâm Thành phố (Moonlight Centre Point) của Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Tiến và khu chung cư và thương mại Metro Star tại số 360 đại lộ Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức (trước là Xa lộ Hà Nội).

Ngoài ra, có 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc, thông báo đến các nhà đầu tư để nghiên cứu đề xuất thay đổi mục tiêu từ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ (Bấm vào đây để đọc bài viết)

Xem thêm tin tức Metro Star tại đây!

Share: