QUY HOẠCH THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC THÀNH ĐÔ THỊ ĐA TRUNG TÂM VÀO NĂM 2040

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040.

Theo đó, TP. Thủ Đức hiện có tổng diện tích đất tự nhiên là 21.156 ha (gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ), nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM.

Thủ Đức sẽ được xây dựng theo hướng đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP.HCM để phát triển kinh tế – xã hội – môi trường, trên cơ sở kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển.

Thủ Đức sẽ có các cơ chế chính sách để quản lí, thu hút đầu tư phù hợp với các quy tắc và thông lệ quốc tế, với các kế hoạch thực thi và lộ trình thực hiện các dự án tầm mức vĩ mô (như giao thông công cộng, khu trung tâm đổi mới sáng tạo) và các cấp độ thấp hơn (công viên khu ở, thảm cây xanh và mặt nước, các khu nhà ở giá rẻ).

Một trong những mục tiêu phát triển chính của TP. Thủ Đức sẽ là phát triển khu trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm. Thủ Thiêm sẽ là trọng điểm phát triển tài chính cho TP. Thủ Đức, cho TP.HCM và cũng sẽ là trung tâm tài chính cấp vùng nằm trong TP. Thủ Đức.

Trong định hướng phát triển hạ tầng kinh tế tri thức: Thủ Đức sẽ phát triển theo mô hình kinh tế dịch vụ, tri thức, tập trung vào các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp. Vì vậy, việc phát triển các hạ tầng kinh tế tri thức là vô cùng quan trọng để chuyển đổi hoạt động kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ và các ngành có giá trị cao.

Hạ tầng kinh tế tri thức bao gồm: các cơ sở giáo dục, trường đại học, các khu “vườn ươm” doanh nghiệp, phòng thí nghiệm, cũng như các hạ tầng công nghệ để hỗ trợ phát triển. Các hạ tầng kinh tế tri thức hiện hữu tại TP.HCM bao gồm các khu trường đại học, công viên phần mềm và trí tuệ nhân tạo Quang Trung, khu công nghệ cao, khu cộng nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ mới.

Như vậy, theo đề án quy hoạch mới nhất, TP.HCM sẽ tổ chức TP. Thủ Đức là một đô thị đa trung tâm, với 01 trung tâm chính là khu Thủ Thiêm, 02 trung tâm khác tại khu vực Trường Thọ và khu vực Long Phước.

TP. Thủ Đức sẽ phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm; các trung tâm tại các phân vùng đô thị gắn với các cơ hội việc làm về thương mại, dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo, sản xuất công nghệ cao…. Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghệ cao đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Định hướng phát triển TP. Thủ Đức theo 11 phân vùng đô thị, được giới hạn bởi các tuyến đường giao thông liên vùng, các đường vành đai đi trên mặt đất và các sông lớn. Từ đó, tạo thành những khu vực sinh sống gắn với cơ hội việc làm, giảm nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng cuộc sống. Mỗi phân vùng đô thị gắn với một khu vực trọng điểm phát triển và tổ chức tối thiểu một khu vực trung tâm đô thị.

TP Thủ Đức tập trung phát triển 11 khu vực trọng điểm nhằm kích thích kinh tế, sáng tạo, đổi mới. Các khu này bao gồm: Khu trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Khu đô thị thương mại, dịch vụ cảng, công nghiệp Cát Lái – Thạnh Mỹ Lợi; Khu đô thị thương mại, văn hoá, sáng tạo, tương tác cao Trường Thọ; Khu công viên và đô thị Tam Phú; Khu đô thị sản xuất tiên tiến, thương mại dịch vụ Linh Trung.

Tiếp theo là Khu sản xuất công nghệ cao, dịch vụ và đào tạo TP.HCM; Khu đô thị và công viên lịch sử – văn hoá dân tộc Long Bình; Khu đô thị và công viên khoa học và công nghệ TP.HCM tại Long Phước; Khu đô thị sinh thái, công nghệ cao Long Phước – Tam Đa; khu vực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Về giao thông, sẽ bổ sung các hướng kết nối qua sông Sài Gòn, sông Tắc, sông Đồng Nai, để phát huy vai trò và giá trị trung tâm của TP Thủ Đức đối với TP.HCM cũng như đối với vùng TP.HCM.

 Vị trí của TP. Thủ Đức, TP.HCM – Nguồn: UBND TP.HCM.

TP. Thủ Đức được xác định là đô thị loại 1 trực thuộc TP.HCM phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía Đông của TP.HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.

Các trục cảnh quan chính, có 6 dải không gian mở lớn, gồm: dải không gian công cộng ven sông Sài Gòn; dải không gian đô thị sinh thái – du lịch ven sông Đồng Nai; dải không gian mở Đông Tây kết nối Thủ Thiêm qua Rạch Chiếc sang đến khu vực Long Phước; dải không gian sáng tạo và văn hóa, kết nối khu vực công viên Văn hóa lịch sử phía Bắc xuống tới khu đô thị sinh thái Long Phước.

Tại khu vực Long Phước, Tam Đa và các khu vực đất trũng, hạn chế xây dựng ngầm và cần đảm bảo thoát nước theo mô hình thích ứng. Phát triển 04 trung tâm dịch vụ logistic quy mô khoảng 400 – 450 ha tại khu công nghệ cao TP.HCM; khu tổ hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ Linh Trung; trung tâm Logistics Long Bình; trung tâm Logistics Cát Lái.

TP. Thủ Đức sẽ ưu tiên đầu tư các dự án gồm các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung và giao thông công cộng, xây dựng và phát triển các khu trọng điểm phát triển; phát triển công nghệ cao, kinh tế tri thức, sáng tạo; phát triển các khu TOD, các tổ hợp hỗn hợp với chức năng chính là nghiên cứu, đào tạo, sản xuất công nghệ cao, văn phòng, thương mại dịch vụ.

Năng lực hệ thống giao thông theo phương án phát triển đến năm 2040 được tiếp tục đánh giá bao gồm các tuyến đường bộ trục chính đô thị, đường chính đô thị, đường liên khu vực và chính khu vực mở mới, hệ thống giao thông công cộng được tăng cường gồm các tuyến đường sắt đô thị mở mới và các tuyến xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại…

Đồng thời, ưu tiên các dự án xây dựng phát triển hệ thống công viên công cộng, công viên chuyên đề; hạ tầng xã hội, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hoá, thể dục thể thao, nhà ở xã hội; cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu…

Về phân bổ dân số: sẽ tập trung phát triển tại các khu vực có quỹ đất công lớn; đất có khả năng chuyển đổi chức năng sang chức năng đô thị hỗn hợp, có khả năng đảm bảo chỉ tiêu đất công trình công cộng và cây xanh – trung tâm thể dục thể thao công cộng.

Theo Tạp chí điện tử Vneconomy

Share: